Khi được chẩn đoán mắc bệnh xơ phổi, bệnh nhân thường sẽ có nhiều thắc mắc về căn bệnh này. Một trong số đó là bệnh xơ phổi có lây không, nguyên nhân mắc bệnh là gì và cách sống chung với bệnh ra sao?
Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây nhé!
Bệnh xơ phổi có lây không và nguyên nhân gây bệnh là gì?
Xơ phổi xảy ra khi thành phế nang trong phổi trở nên cứng và dày hơn, có sẹo. Phế nang khó giãn nở như bình thường, hô hấp trở nên khó khăn hơn, dẫn đến lượng oxy khó đi vào máu. Ngoài ra, phổi cần phải nỗ lực nhiều hơn để thở và nhu cầu năng lượng bổ sung để làm việc này sẽ dẫn tới khó thở.
Bệnh xơ phổi có lây không thì khẳng định là KHÔNG LÂY. Bệnh thường tiến triển và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian nếu không được điều trị kịp thời. Nếu bạn thấy ai đó bị xơ phổi và đang đeo khẩu trang, đó chỉ là vì họ muốn tránh xa những tác nhân tiếp xúc từ môi trường bên ngoài có thể khiến bệnh thêm trầm trọng, chẳng hạn như khói bụi, khói thuốc lá,…
Sau khi đã hiểu rõ bệnh xơ phổi có lây không và biết bệnh không lây thì bạn chắc hẳn sẽ thắc mắc vậy nguyên nhân gây bệnh là gì?
Rất nhiều trường hợp không tìm được căn nguyên, được gọi là xơ phổi vô căn. Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân gây bệnh xơ phổi là:
- Tiếp xúc thường xuyên với chất độc và khói bụi ô nhiễm: Bao gồm khói thuốc lá, sợi amiăng, bụi than, bụi kim loại hoặc bụi silica.
- Điều trị bức xạ: Từng được xạ trị ung thư phổi hoặc ung thư vú, tiếp xúc với lượng bức xạ liều cao có thể bị tổn thương phổi lâu dài.
- Tác dụng phụ của thuốc: Chẳng hạn như thuốc hóa trị, thuốc điều trị nhịp tim không đều, một số loại thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm khác.
- Các tình trạng bệnh lý khác: Gồm lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, bệnh xơ cứng bì, viêm phổi, hội chứng Sjogren…
Bệnh xơ phổi có di truyền không?
Bệnh xơ phổi không lây nhưng có thể di truyền. Theo nhiều nghiên cứu, có một số gen liên quan đến bệnh xơ phổi được di truyền trong gia đình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những gen đó có thể không xuất hiện ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh. Trên thực tế, chứng xơ phổi di truyền là rất hiếm gặp và không phải ai cũng nên xét nghiệm di truyền. Nó không giúp bác sĩ đưa ra tiên lượng hay phương pháp điều trị phù hợp.
Các yếu tố nguy cơ khác
Bệnh xơ phổi có lây không thì câu trả lời là không. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ sau đây sẽ làm tăng khả năng bạn mắc bệnh:
- Tuổi tác. Bệnh thường ảnh hưởng đến người trung niên và lớn tuổi trong khoảng từ 50-70 tuổi.
- Giới tính. Tỷ lệ bệnh nhân nam cao hơn phụ nữ.
- Hút thuốc lá. Người hút thuốc và đã từng hút thuốc có khả năng bị xơ phổi nhiều hơn những người chưa bao giờ hút thuốc.
- Tiếp xúc thường xuyên với chất độc và khói bụi ô nhiễm. Chẳng hạn như làm việc trong lĩnh vực khai thác mỏ, nông nghiệp hoặc xây dựng, có nguy cơ tiếp xúc thường xuyên với các chất ô nhiễm có thể gây hại cho phổi.
Hiểu rõ bệnh xơ phổi có lây không để sống khỏe mạnh cùng bệnh
Hiểu rõ bệnh xơ phổi có lây không sẽ giúp bạn có cách sống khỏe mạnh cùng bệnh. Nếu được chẩn đoán mắc bệnh xơ phổi, bạn nên:
- Bỏ thuốc lá và tránh ở gần những người đang hút thuốc.
- Ăn uống lành mạnh. Vai trò chính của chế độ ăn là giúp bạn duy trì cân nặng phù hợp. Bổ sung nhiều loại trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, các sản phẩm từ sữa ít béo. Tránh chất béo động vật, thực phẩm chế biến sẵn.
- Tập thể dục. Tập thể dục thường xuyên có thể giúp duy trì chức năng phổi và kiểm soát căng thẳng. Cố gắng kết hợp các hoạt động thể chất, chẳng hạn như đi bộ hoặc đi xe đạp vào thói quen hàng ngày. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những hoạt động thể chất phù hợp.
- Nghỉ ngơi. Đảm bảo nghỉ ngơi đầy đủ để tiếp thêm năng lượng cho cơ thể.
- Tiêm phòng. Nhiễm trùng đường hô hấp có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh xơ phổi. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tiến hành tiêm phòng vacxin viêm phổi và tiêm phòng cúm hàng năm.
- Tuân thủ kế hoạch điều trị. Hãy thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ về việc dùng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện vừa phải. Đừng quên tái khám định kỳ với bác sĩ.
Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc bệnh xơ phổi có lây không, hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh và cách để sống khỏe mạnh cùng bệnh.