Bảo hiểm tai nạn lao động: bạn không thể không biết

Bảo hiểm tai nạn lao động là một trong những quyền lợi căn bản nhất của người lao động. Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi như tôi có thuộc đối tượng của chế độ bảo hiểm này không? Các quyền lợi cụ thể của người lao động khi bị tai nạn trong công việc là gì?

Về pháp luật, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp được quy định chung vì chúng có bản chất liên quan. Bài viết này chỉ tập trung vào bảo hiểm tai nạn lao động để thông tin được tập trung, rõ ràng và dễ nắm bắt.

Bảo hiểm tai nạn lao động là gì?

Bảo hiểm tai nạn lao động là quyền lợi của người lao động, được người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng cho quỹ bảo hiểm xã hội nhà nước, nhằm bảo đảm đời sống của những người lao động không may bị tai nạn lao động và nâng cao an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

Đây là một trong 05 chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội (bao gồm Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; và Tử Tuất).

bảo hiểm tai nạn lao động

Những ai được tham gia bảo hiểm tai nạn lao động?

Tất cả người lao động thuộc đối tượng bắt buộc ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật, đều có quyền lợi theo quy định về bảo hiểm tai nạn lao động. Bao gồm:

– Người lao động không thời hạn, người lao động có thời hạn trên 12 tháng, từ 3 – 12 tháng và từ 1 – 3 tháng. Người lao động có số ngày nghỉ không lương quá 14 ngày / tháng thì không được tính là toàn thời gian và do đó không bắt buộc ký hợp đồng lao động.

– Những đối tượng trên không phân biệt là cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài; quy mô (doang nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể, …); vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận…

Nếu người lao động tham gia đồng thời nhiều hợp đồng lao động, bảo hiểm cho người đó được đóng riêng cho từng hợp đồng.

Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động

mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động

Từ ngày 15/7/2020, mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động là 0.5% mức lương đóng bảo hiểm xã hội đối với mọi doanh nghiệp, cơ quan, kể cả khối công an, quân đội, lực lượng vũ trang. Ví dụ, mức đóng là 6,500,000 x 0.5% = 32,500 đồng/tháng nếu lương đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng là 6,500,000 đồng.

Đối với lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm hoặc theo khoán thì mức đóng hằng tháng là 0.5% mức lương đóng bảo hiểm xã hội, có thể đóng mỗi 1, 3 hoặc 6 tháng.

Doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động có thể đóng theo mức bằng 0.3% quỹ tiền lương nếu:

– Có đề xuất và trong 3 năm từ khi đề xuất không để xảy ra các vi phạm hành chính hoặc hình sự về an toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội;

– Báo cáo đúng hẹn, chính xác, đầy đủ định kỳ tình hình tai nạn lao động, an toàn vệ sinh lao động trong 3 năm liền trước khi đề xuất;

– Không để xảy ra tai nạn lao động trong 3 năm liền trước đề xuất, hoặc trong năm trước giảm hơn 15% so với trung bình 3 năm.

Người lao động vẫn được đóng bảo hiểm tai nạn lao động khi:

– Đi học hoặc nghỉ việc có hưởng lương

– Bị tai nạn lao động trong tháng đầu làm việc: vẫn được đóng bảo hiểm của tháng đó

– Người lao động đủ điều kiện tham gia chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đầy đủ (cả tiền lãi nếu có) bảo hiểm cho người đó, kể cả khi sắp chấm dứt hợp đồng lao động, để đảm bảo đủ quyền lợi cho người lao động.

– Nếu không đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bắt buộc, thì khi xảy ra tai nạn, ngoài bồi thường, trợ cấp theo Luật Vệ sinh An toàn Lao động, người sử dụng lao động phải trả khoản tương ứng với chế độ tai nạn lao động theo quy định, một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận hoặc theo yêu cầu của người lao động.

Điều kiện để được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động

bảo hiểm tai nạn lao động

Thế nào là tai nạn lao động?

Tai nạn lao động là tai nạn xảy ra:

– Tại nơi làm việc, trong giờ làm việc, trong quá trình làm việc, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ công việc.

– Trong thời gian làm việc, khi thực hiện những nhu cầu sinh hoạt cần thiết được luật và nội quy nơi làm việc cho phép như: giải lao, ăn ca, vệ sinh kinh nguyệt, đi vệ sinh.

– Ngoài nơi/giờ làm việc nhưng vẫn là công việc, theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền (bằng văn bản) trực tiếp quản lý lao động.

– Khi di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở, trong thời gian và tuyến đường hợp lý.

Người bị tai nạn lao động được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động khi:

– Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên

– Không được hưởng khi tai nạn:

+ Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

+ Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

+ Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

Quyền lợi của người lao động khi bị tai nạn lao động

quyền lợi từ bảo hiểm tai nạn lao động

Từ phía người sử dụng lao động:

Điều 38 Luật An toàn Vệ sinh Lao động năm 2015 quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm:

– Thanh toán chi phí y tế từ sơ cứu, cấp cứu đến điều trị ổn định cho người lao động bị nạn. Nếu người lao động bị nạn có tham gia bảo hiểm y tế, chi phí này bao gồm chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả. Người sử dụng lao động chi trả toàn bộ chi phí nếu người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

– Thanh toán phí giám định mức suy giảm khả năng lao động với trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5%.

– Chi trả tiền lương và đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động phải nghỉ việc trong suốt thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

– Trợ cấp nếu tai nạn không hoàn toàn do lỗi của người lao động:

  • Suy giảm 5-10% khả năng lao động: ít nhất 1.5 tháng lương
  • Suy giảm 11-80% khả năng lao động: cứ thêm 1% thì cộng thêm 0.4 tháng lương
  • Suy giảm từ 81% khả năng lao động: ít nhất 30 tháng lương

Tiền lương này bao gồm lương căn bản và các khoản phụ cấp công việc.

– Nếu lỗi là do người lao động, trợ cấp ít nhất 40% theo cách tính trên.

– Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu người đó còn tiếp tục làm việc.

Từ phía quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động:

quyền lợi từ cơ quan bảo hiểm xã hội

Người lao động hưởng một trong các hình thức trợ cấp sau, tùy thuộc mức độ suy giảm khả năng lao động.

1. Trợ cấp 1 lần khi bị suy giảm 5-30% khả năng lao động

Khoản tiền trợ cấp = [ 5 x A + (B – 5) x 0.5 x A ] + [ 0.5 x C + (D – 1) x 0.3 x C ]

Trong đó:

  • A: mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng trợ cấp
  • B: mức suy giảm khả năng lao động
  • C: mức lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm tai nạn lao động
  • D: tổng số năm đóng bảo hiểm tai nạn lao động

2. Trợ cấp hàng tháng khi bị suy giảm từ 31% khả năng lao động

Khoản tiền trợ cấp hàng tháng = [ 0.3 x A + (B – 31) x 0.2 x A ] + [ 0.005 x C + (D – 1) x 0.003 x C ]

Trong đó:

  • A: mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng trợ cấp
  • B: mức suy giảm khả năng lao động
  • C: mức lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm tai nạn lao động
  • D: tổng số năm đóng bảo hiểm tai nạn lao động

cách tính mức hưởng bảo hiểm tai nạn lao động

3. Trợ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (theo niên hạn)

4. Trợ cấp phục vụ khi bị suy giảm từ 81% khả năng lao động

Mà bị liệt cột sống / mất thị lực 2 mắt / liệt hoặc mất 2 chi / hoặc bị tâm thần. Mức trợ cấp phục vụ hàng tháng = mức lương cơ sở.

5. Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị

Nếu người lao động đã điều trị ổn định thương tật nhưng sức khỏe chưa phục hồi và sẽ trở lại làm việc.

Mức trợ cấp / ngày = 0.3 x mức lương cơ sở

6. Trợ cấp 1 lần khi chết:

Cho thân nhân người lao động: 36 x mức lương cơ sở

Những quyền lợi khác:

Ngoài những khoản hỗ trợ trên, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động còn chi trả cho người lao động:

  • Chi phí giám định thương tật nếu tỉ lệ suy giảm khả năng lao động được kết luận là từ 5% trở lên.
  • Chi phí chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động khi trở lại làm việc: Hỗ trợ học phí không quá 50% và không quá 15 lần mức lương cơ sở, hỗ trợ tối đa 2 lần cho một người và không quá 1 lần/năm.

Hồ sơ hưởng bảo hiểm tai nạn lao động gồm những gì?

hồ sơ hưởng bảo hiểm tai nạn lao động

Người lao động cần chuẩn bị hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau và gửi cho người sử dụng lao động:

1. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Giấy ra viện sau khi đã điều trị ổn định thương tật tai nạn lao động đối với trường hợp điều trị nội trú. Hoặc giấy tờ khám, điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp điều trị ngoại trú.

3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

4. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Mẫu số 05 – HSB).

Trong vòng 30 ngày, người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ đầy đủ trên cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm phản hồi trong 10 ngày làm việc, nếu từ chối hỗ trợ cần có văn bản nêu rõ lý do.

Hy vọng bài viết trên đây đã hỗ trợ bạn với những thông tin cơ bản về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động. Điều quan trọng nhất là hãy luôn tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng tránh tai nạn lao động để bảo vệ chính mình và người xung quanh.

Verifying…

Post a Comment

Previous Post Next Post