Thoái hóa khớp là bệnh xương khớp liên quan đến tuổi tác phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hơn 80% những người trên 55 tuổi. Thoái hóa khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp háng và khớp gối, không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn tác động đến tinh thần và khả năng giao tiếp xã hội của người bệnh [1]. Vì vậy, nhận biết sớm các triệu chứng thoái hóa khớp ở người cao tuổi sẽ giúp bạn có hướng chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Thoái hóa khớp xảy ra khi sụn khớp bị hao mòn và phá vỡ. Trong một số trường hợp, sụn có thể bị mòn hoàn toàn và khiến các đầu xương dễ cọ xát vào nhau [2]. Các thay đổi bệnh lý thường gặp phải ở khớp bị thoái hóa, bao gồm: mất dần hoặc phá hủy sụn khớp, dày hóa xương dưới sụn, hình thành gai xương, viêm bao hoạt dịch, thoái hóa dây chằng, phì đại bao khớp và phần sụn trong của khớp gối [3].
Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến thoái hóa khớp, tuy nhiên, tuổi tác và quá trình lão hóa được xem là yếu tố nguy cơ chính góp phần vào quá trình hình thành cũng như phát triển bệnh [4, 5]. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển, trở nên nghiêm trọng, gây nhiều biến chứng và dẫn đến mất khả năng vận động theo thời gian. Tuy chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn nhưng việc nhận biết sớm triệu chứng thoái hóa khớp ở người cao tuổi và điều trị kịp thời có thể giúp bạn kiểm soát triệu chứng cũng như cải thiện chức năng khớp hiệu quả [6].
6 triệu chứng thoái hóa khớp ở người cao tuổi
Các triệu chứng thoái hóa khớp ở người cao tuổi có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau như bàn tay, thắt lưng, cổ và các khớp chịu trọng lượng của cơ thể như đầu gối, hông và bàn chân. Tuy nhiên, thoái hóa khớp chỉ ảnh hưởng đến khớp chứ không tác động đến các cơ quan nội tạng khác [2].
Dưới đây là một số triệu chứng thoái hóa khớp ở người cao tuổi mà bạn cần lưu ý:
Đau quanh khớp
Một trong những triệu chứng thoái hóa khớp ở người cao tuổi điển hình nhất là đau khớp. Tình trạng đau khớp do thoái hóa thường trầm trọng hơn khi hoạt động và thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Đối với một số trường hợp tiến triển, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau vào ban đêm hoặc ngay cả khi đang nằm nghỉ [7]. Cơn đau có thể kéo dài liên tục và bắt đầu ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày, cuối cùng gây hạn chế chức năng nghiêm trọng [8].
Cứng khớp
Cứng khớp là một triệu chứng phổ biến khác của thoái hóa khớp ở người già. Tình trạng cứng khớp có thể dễ dàng nhận thấy vào buổi sáng hoặc sau một khoảng thời gian dài không vận động (chẳng hạn như ngồi ô tô hoặc máy bay). Tình trạng này thường biến mất sau khoảng 30 phút sau khi làm ấm khớp bằng những cử động nhẹ [9], khác với tình trạng cứng khớp do viêm khớp dạng thấp thường kéo dài 1 tiếng hoặc hơn [10].
Hạn chế phạm vi chuyển động khớp
Thoái hóa khớp sẽ khiến khớp trở nên kém linh hoạt và làm giảm phạm vi chuyển động của khớp [7, 9]. Tình trạng này có thể do gai xương hoặc những thay đổi ở mô khác gây ra [9].
Sưng khớp
Khớp có thể bị sưng do tích tụ nhiều chất lỏng dư thừa hoặc do viêm mô mềm quanh khớp [9, 11]. Ngoài ra, nếu khớp sưng vừa hoặc nặng, khi chạm vào khớp bạn có thể thấy ấm nóng [9].
Tiếng động khi cử động khớp
Khi bị thoái hóa, bề mặt 2 khớp sẽ không còn chuyển động một cách mượt mà với nhau. Điều này có thể tạo ra cảm giác nghiến rít khi co duỗi và/hoặc kèm theo những tiếng động như lục khục hoặc lạo xạo ở khớp [9].
Gai xương
Ma sát và áp lực giữa hai đầu xương giữa các khớp có thể dẫn đến thoái hóa xương và sự phát triển của các gai xương. Các khối xương mới phát triển này được gọi là gai xương [9, 12]. Gai xương có thể cọ xát với các xương và mô khác, gây hạn chế chuyển động và chèn ép các dây thần kinh lân cận [12].
Tại sao bạn cần nhận biết sớm triệu chứng thoái hóa khớp?
Tùy thuộc vào giai đoạn và mức độ ảnh hưởng mà thoái hóa khớp có thể gây suy giảm nghiêm trọng khả năng thực hiện các hoạt động hằng ngày [13]. Không những vậy, bệnh lý này sẽ tiến triển và dẫn đến mất khả năng vận động vĩnh viễn nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời [6]. Dù không thể được chữa khỏi hoàn toàn nhưng việc nhận biết sớm các triệu chứng thoái hóa khớp ở người cao tuổi có thể giúp bạn ngăn ngừa các biến chứng và ảnh hưởng dưới đây của bệnh.
Biến chứng trên khớp, xương và mô mềm quanh khớp
Tình trạng thoái hóa khớp ở người già có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng trên khớp, xương và mô mềm quanh khớp như [6, 9, 14]:
- Hoại tử xương
- Gãy xương do mỏi
- Biến dạng khớp
- Chảy máu hoặc nhiễm trùng ở khớp
- Làm mỏng hoặc phá hủy gân và dây chằng quanh khớp, từ đó gây mất ổn định khớp
- Tiêu sụn: Thoái hóa khớp có thể gây phá vỡ hoàn toàn và đột ngột sụn, từ đó để lại các mô lỏng lẻo trong khớp
- Chèn ép dây thần kinh, đặc biệt khi bị thoái hóa khớp ở cột sống
- U nang Baker: Trong trường hợp thoái hóa khớp gối, bạn có thể nhận thấy một cục u mềm chứa đầy dịch lỏng phía sau đầu gối. Chúng sẽ đè nén lên các mạch máu và gây sưng phù. Đôi khi u nang baker cũng vỡ ra và gây đau.
Ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần
Một nghiên cứu được công bố năm 2010 đã phát hiện ra rằng, các cơn đau do thoái hóa khớp có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của người mắc [6, 15]. Theo đó, bệnh thoái hóa khớp có thể gây suy giảm sức khỏe tinh thần, căng thẳng, trầm cảm và tăng ý định tự tử [16].
Ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày và chất lượng cuộc sống tổng thể
Ngoài tác động đến khớp và sức khỏe tinh thần, các triệu chứng thoái hóa khớp ở người cao tuổi có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác của cuộc sống như:
- Chất lượng giấc ngủ: Người lớn tuổi vốn đã khó ngủ và ngủ không sâu giấc [17]. Vậy mà các cơn đau do thoái hóa khớp còn xuất hiện, khiến họ cảm thấy khó chịu và dễ bị tỉnh giấc vào ban đêm. Khoảng 70% bệnh nhân thoái hóa khớp cho biết họ bị rối loạn giấc ngủ, bao gồm khó ngủ, mất ngủ hoặc dậy sớm hơn bình thường [18].
- Khả năng vận động: Tình trạng viêm ở khớp gối và khớp háng có thể gây hạn chế một số hoạt động hằng ngày như đi bộ hoặc leo cầu thang [1].
- Đời sống xã hội và công việc: Thoái hóa khớp là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người lớn tuổi vắng mặt tại nơi làm việc, hội họp và các buổi lễ khác [1].
Gây mất khả năng vận động vĩnh viễn
Thoái hóa khớp được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất khả năng vận động ở người lớn tuổi. Tình trạng này có thể ngăn cản bệnh nhân hoàn thành trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội cũng như hạn chế một số hoạt động hàng ngày như mặc quần áo, làm việc nhà…[19].
Làm sao để người cao tuổi sống khỏe mạnh hơn cùng thoái hóa khớp?
Bằng cách kết hợp giữa phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc, mục tiêu chính trong điều trị thoái hóa khớp ở người cao tuổi là kiểm soát cơn đau, bảo tồn chức năng và khả năng vận động của khớp, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống tổng thể của bệnh nhân [20].
Sử dụng thuốc điều trị thoái hóa khớp
Một số thuốc có thể được dùng trong điều trị và kiểm soát các triệu chứng thoái hóa khớp ở người cao tuổi. Trong đó, paracetamol thường là thuốc đầu tiên được sử dụng [20].
Đối với những bệnh nhân có dấu hiệu viêm và không đáp ứng với paracetamol, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) [20]. Nhóm thuốc này được xem là thuốc dạng đường uống hiệu quả nhất trong điều trị thoái hóa khớp nhờ khả năng ngăn chặn các chất gây đau và sưng. Không chỉ đường uống, các NSAIDs dùng tại chỗ cũng có thể được sử dụng để giảm các cơn đau do thoái hóa khớp [21].
Ngoài ra, thuốc dạng tiêm trực tiếp vào khớp như corticosteroid, acid hyaluronic hoặc thuốc giảm đau nhóm opioid cũng có thể được sử dụng để giúp kiểm soát các triệu chứng thoái hóa khớp ở người cao tuổi. Tuy nhiên cần lưu ý với thuốc giảm đau nhóm opioid có khả năng gây nghiện nên không được khuyến nghị sử dụng trong thoái hóa khớp [21, 22].
Giảm cân
Việc duy trì cân nặng hợp lý có thể làm giảm áp lực lên khớp và giúp bạn hạn chế các cơn đau liên quan đến thoái hóa khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp gối. Không những vậy, việc giảm cân còn góp phần ngăn ngừa một số quá trình viêm trong cơ thể [22].
Nghỉ ngơi hợp lý
Nếu các khớp bị sưng và đau nhức, bạn hãy tránh việc di chuyển hoặc sử dụng các khớp này trong vòng 12-24 tiếng. Bạn cũng nên ngủ đủ giấc vì mệt mỏi có thể làm tăng khả năng cảm nhận cơn đau của cơ thể [22].
Tập thể dục và vật lý trị liệu đều đặn
Tập thể dục sẽ giúp bạn giảm đau và cứng khớp, giảm mệt mỏi, tăng sức mạnh cơ xương, cải thiện sự cân bằng để phòng ngừa tình trạng té ngã do thoái hóa khớp [22]. Đối với những bệnh nhân gặp các vấn đề về thể chất do thoái khớp, phương pháp vật lý trị liệu có thể hỗ trợ và giúp bạn duy trì khả năng vận động [20].
Theo dõi tình trạng của bản thân thường xuyên
Trong quá trình điều trị thoái hóa khớp, bạn nên theo dõi tình trạng của mình thường xuyên và đến gặp bác sĩ định kỳ [23]. Khi các phương pháp khác (cả dùng thuốc và không dùng thuốc) không thể giúp giảm đau hoặc cải thiện chức năng khớp, bác sĩ có thể phải chỉ định phẫu thuật để thay thế hoặc sửa chữa các khớp bị tổn thương [20, 22].
Lưu ý khi dùng thuốc giảm đau cho người cao tuổi
Tuy mang lại nhiều hiệu quả trong điều trị thoái hóa khớp nhưng việc sử dụng các loại thuốc giảm đau cần đặc biệt thận trọng, nhất là ở người cao tuổi. Người cao tuổi thường có chức năng các cơ quan suy yếu và mắc nhiều bệnh nền đi kèm nên dễ gặp phải các tác dụng phụ của thuốc hơn người trẻ tuổi [24].
Dù là nhóm thuốc hiệu quả và được sử dụng rộng rãi trong điều trị thoái hóa khớp nhưng NSAIDs cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, đặc biệt trên hệ tiêu hóa [25]. Có đến 60% bệnh nhân cao tuổi bị loét và chảy máu đường tiêu hóa trong quá trình sử dụng nhóm thuốc này [20]. Không những thế, NSAIDs còn có thể gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch và thận [20, 21].
Bạn hãy thông báo cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình để được chỉ định sử dụng thuốc phù hợp. Các NSAIDs chọn lọc COX-2 như nhóm coxib đã được chứng minh là ít gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa hơn so với NSAIDs không chọn lọc, vì vậy có thể được dùng cho những bệnh nhân gặp các vấn đề về tiêu hóa [26]. Không những vậy, ảnh hưởng trên tim mạch của một số NSAIDs nhóm coxib gần như tương đương với NSAIDs không chọn lọc, do đó thể hiện nhiều lợi thế hơn so với các NSAIDs chọn lọc COX-2 cùng nhóm [27].
Ngoài ra, người lớn tuổi nên sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, ngay cả khi đã cảm thấy đỡ hơn. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào về các loại thuốc đang dùng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Đồng thời, thông báo cho bác sĩ nếu bạn dự định sử dụng thêm các sản phẩm bổ sung khác vì chúng có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả dùng thuốc [23].
Thoái hóa khớp là một bệnh mãn tính có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng [6]. Biết về các triệu chứng thoái hóa khớp ở người cao tuổi sẽ giúp bạn phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
PP-CEL-VNM-0434
Pfizer đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.
HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. Pfizer không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.