Khi phát hiện nổi hạch dưới hàm thường làm nhiều người lo lắng và liên tưởng đến ung thư. Thông thường những cục u này đều không đáng ngại. Chúng có thể biểu hiện các đặc tính khác nhau như cứng hoặc mềm, đau hoặc không đau, phát triển nhanh hay chậm, tùy vào nguyên nhân gây nên.
Tìm hiểu rõ về triệu chứng sưng hạch dưới hàm sẽ giúp bác sĩ dễ dàng tìm ra nguyên nhân và giúp bạn xác định liệu tình trạng này có thực sự đáng lo ngại hay không.
1. Nổi hạch dưới hàm là gì?
Hạch bạch huyết thuộc hệ thống bạch huyết – có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể trước các đợt “tấn công” của tác nhân lạ xâm nhập, chẳng hạn như vi khuẩn, virus… Hạch bạch huyết phân bố khắp nơi trên cơ thể, đặc biệt tập trung ở bẹn, nách, cổ, cằm và dưới hàm. Đây cũng là những khu vực dễ dàng quan sát thấy các hạch sưng lên, nổi rõ.
Bạn có thể xem thêm: Nổi hạch sau tai và đau: Nguyên nhân là gì? Có nguy hiểm không?
2. Triệu chứng nhận biết nổi hạch dưới hàm
Triệu chứng nổi hạch dưới hàm là khi chúng sưng lên, có kích thước bằng hoặc lớn hơn hạt đậu nằm ở xung quanh vùng dưới hàm.
Bên cạnh đó, khi nổi hạch dưới hàm, bạn còn có thể biểu hiện các triệu chứng như:
- Đau ở khu vực hạch bị sưng lên dưới hàm.
- Chảy nước mũi, đau họng, sốt và các dấu hiệu khác của nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Hạch nổi to có hình dạng như các nút cứng, cố định và phát triển nhanh chóng. Đây được xem là dấu hiệu cảnh báo cho ung thư.
- Đổ mồ hôi đêm.
- Sưng hạch ở các vị trí khác khắp cơ thể. Điều này cảnh báo có nhiễm trùng, chẳng hạn như tăng bạch cầu đơn nhân, rối loạn hệ thống miễn dịch (bệnh lupus hoặc viêm khớp dạng thấp), HIV.
3. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến nổi hạch dưới hàm
Nhiễm trùng
Đây được xem là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp nổi hạch dưới hàm, phổ biến nhất là do nhiễm virus gây cảm lạnh. Ngoài ra một số bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng dưới đây cũng có thể dẫn đến nổi hạch dưới hàm:
- Viêm họng hạt
- Bệnh sởi
- Nhiễm trùng tai
- Áp xe răng
- Tăng bạch cầu đơn nhân
- Nhiễm trùng da hoặc vết thương
- Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV-AIDS) thường làm hệ thống hạch bạch huyết trên toàn cơ thể sưng lên.
Ngoài ra, một số bệnh nhiễm trùng ít phổ biến khác như bệnh lao, sốt do mèo cào, nhiễm trùng lây qua đường tình dục,… cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sưng hạch bạch huyết ở dưới hàm.
Nổi hạch dưới hàm do nguyên nhân nhiễm trùng thường là hạch mềm khi chạm vào, chúng di chuyển xung quanh cổ và thường gây đau cho đến khi nhiễm trùng được giải quyết.
Rối loạn miễn dịch
Hạch dưới hàm sưng cũng có thể là dấu hiệu cho các rối loạn miễn dịch toàn thân như:
- Lupus – một bệnh lý mãn tính trên khớp, da, thận, tế bào máu, tim và phổi.
- Viêm khớp dạng thấp – một dạng viêm khớp mãn tính ảnh hưởng đến lớp bao hoạt dịch của khớp.
Ung thư
Nổi hạch dưới hàm có thể là biểu hiện của ung thư bắt nguồn từ hệ thống bạch huyết (ung thư hạch) hoặc bệnh bạch cầu hoặc các ung thư đầu cổ lan tràn vào hạch.
Ngoài ra, nổi hạch ở khu vực quanh cổ còn là dấu hiệu đại diện cho các dạng ung thư ở cơ quan khác di căn đến các hạch bạch huyết ở khu vực này.
3. Nổi hạch dưới hàm có nguy hiểm không?
Mặc dù hạch nổi to không phải là tình trạng đáng lo ngại nhưng nếu các nguyên nhân nhiễm trùng dẫn đến nổi hạch dưới hàm không được điều trị tốt, áp xe có thể hình thành. Áp xe là một tập hợp dịch mủ ứ đọng do nhiễm trùng. Dịch mủ này thường như chất lỏng, chứa tế bào bạch cầu, mô chết và vi khuẩn. Dịch mủ này ứ đọng quá nhiều sẽ cần điều trị dẫn lưu và kháng sinh.
4. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Trước tiên, khi bị sưng hạch dưới hàm, hãy sử dụng một miếng gạc hoặc khăn ấm để chườm nóng, uống thuốc giảm đau (paracetamol hay ibuprofen) để giảm đau tạm thời cho tới khi cơ thể đã chống lại nhiễm trùng thành công.
Tuy nhiên, nếu phát hiện bị nổi hạch dưới hàm không rõ nguyên nhân, bạn nên đi khám bác sĩ nếu:
- Hạch tiếp tục nổi to mặc dù đã được điều trị nhiễm trùng (nguyên nhân được nghi ngờ đầu tiên)
- Hạch đã sưng lên hoặc ngày càng to trong 2 tuần
- Hạch sờ vào có cảm giác cứng và bất động
- Bạn bị sụt cân không rõ nguyên nhân, đau tai dai dẳng, khó nuốt, khó thở, thay đổi giọng nói, chảy máu từ cổ họng hoặc miệng, vết loét trong miệng không biến mất, sốt dai dẳng hoặc đổ mồ hôi ban đêm.