Những biến chứng lao phổi nguy hiểm mà người bệnh lao cần biết

 

Lao phổi là dạng bệnh lao phổ biến nhất, dễ lây lan và là một nhiễm trùng nguy hiểm. Không chỉ cần mất nhiều thời gian để điều trị mà biến chứng lao phổi cũng rất nguy hiểm nếu bệnh nhân không nhận biết và điều trị kịp thời.

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về hậu quả của bệnh lao phổi hay các biến chứng lao phổi có thể xảy ra nhé!

1.Tràn khí và tràn dịch màng phổi

Tràn khí/dịch màng phổi do lao là tình trạng ứ dịch hoặc khí bên trong không gian giữa hai lớp màng phổi (khoang màng phổi) sau một đợt nhiễm bệnh lao nặng, thường là lâu dài.

Bình thường, trong khoang màng phổi chỉ có một ít dịch để bôi trơn, giúp hai lá phổi cử động dễ dàng khi hít thở. Khi dịch hoặc khí ứ đọng quá nhiều ở khoang màng phổi sẽ ép phổi lại còn một thể tích rất nhỏ và không thể trao đổi đủ khí. Người bệnh cảm thấy khó thở cho tới ngạt thở, thậm chí là tử vong (hay còn được gọi là chết đuối trên cạn). Lúc này cần xử lý thông đường thở cho bệnh nhân kịp thời.

Có thể bạn quan tâm: Bệnh lao màng phổi

2. Viêm màng não do lao

Biến chứng lao phổi trên não

Nếu vi khuẩn lao từ phổi di chuyển được đến màng não và các mô não, có thể gây viêm màng não do lao. Điều này có thể xảy ra ngay lập tức sau khi bạn nhiễm phải vi khuẩn lao hoặc vài tháng hoặc vài năm sau đó.

Viêm màng não do biến chứng lao phổi gây tăng áp lực bên trong hộp sọ, dẫn tới tổn thương các mô thần kinh, thường nghiêm trọng.

Triệu chứng ban đầu của biến chứng lao phổi này có thể bao gồm đau đầu (thường là dai dẳng), chán ăn và mệt mỏi. Các triệu chứng mơ hồ kéo dài vài tuần trước khi xuất hiện các triệu chứng cụ thể hơn của bệnh viêm màng não, chẳng hạn như nhức đầu dữ dội, sợ ánh sáng mạnh và cứng cổ, méo mặt, đi lại khó khăn,…

3. Ho ra máu: Biến chứng lao phổi nguy hiểm

Ho ra máu thường là triệu chứng ban đầu hoặc là di chứng nặng nề sau lao phổi. Mặc dù chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể của tình trạng ho ra máu ở bệnh nhân lao phổi nhưng nhiều nghiên cứu cho rằng biến chứng lao phổi này liên quan đến tình trạng biến dạng nhu mô phổi và các biến chứng mạch máu do bệnh lao gây nên. Khoảng 8% bệnh nhân từng nhiễm lao phổi sẽ bị ho ra máu vào một thời điểm nào đó trong đời.

Ho ra máu trong khi đang nhiễm lao là dấu hiệu vi khuẩn lao bắt đầu phá hủy phổi. Ban đầu, nó chỉ tàn phá các mạch máu nhỏ trong phế nang nhưng sau đó sẽ tấn công tới mạch máu lớn. Ho ra máu ồ ạt có thể làm tắc phế quản, mất máu cấp, dẫn tới tử vong.

Dù là tình trạng ho ra máu nặng hay nhẹ, bệnh nhân cũng cần cấp cứu ngay lập tức để ngăn ngừa những hậu quả nặng nề. Bởi ho ra máu do lao xảy ra trên diện rộng và không tự cầm máu được, sẽ tiến triển rất nhanh.

biến chứng lao phổi ho ra máu

4. Nhiễm nấm Aspergillus mãn tính

Sau điều trị khỏi lao, vẫn có thể còn lại 20-40% phổi bị tổn thương. Các khoang này dễ bị nấm Aspergillus tấn công và phát triển nhanh chóng nếu bệnh nhân hít phải bào tử nấm này từ môi trường. Điều này sẽ làm mở rộng các tổn thương sẵn có hoặc tạo ra các khoang mới bị tổn thương.

Biến chứng lao phổi này thường biểu hiện các triệu chứng như ho có đờm, ho, sụt cân, mệt mỏi, sốt, ho ra máu, đau ngực,…

5. Giãn phế quản

Giãn phế quản (ở thùy trên) thường liên quan đến lao phổi chủ yếu là xuất phát từ viêm phế quản do lao. Nhiều trường hợp giãn phế quản là một phần triệu chứng của lao hoạt động và ở lao thể ẩn. Mặc dù được đánh giá là một tình trạng lành tính ở phổi nhưng đôi lúc biến chứng lao phổi này trở nên nghiêm trọng và cần cắt bỏ thùy phổi.

6. Xơ phổi là biến chứng lao phổi đáng lo ngại nhất

Bởi vi khuẩn lao sẽ không ngừng phá hủy phổi, dẫn đến hư hỏng một thùy nhỏ cho tới toàn bộ một bên phổi. Khi cả hai lá phổi xơ hóa hết, nó không còn khả năng trao đổi khí nữa, khiến bệnh nhân dần suy hô hấp và tử vong.

Trong bất kỳ trường hợp nhiễm lao phổi nào, bệnh nhân cũng không nên chủ quan mà phải nghiêm túc điều trị theo phác đồ để sớm khỏi bệnh. Hy vọng những thông tin về biến chứng lao phổi trên đây có thể giúp bạn trang bị thêm kiến thức, sẵn sàng đối phó với nhiễm trùng nguy hiểm này nhé!

Post a Comment

Previous Post Next Post