Trong bối cảnh ca nhiễm tăng, chủng Omicron chiếm ưu thế, TP HCM đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng mùa xuân trước ngày 28/2, bảo vệ nhóm nguy cơ, xây dựng quy trình chống dịch tới cơ sở như pháo đài.
Số ca Covid-19 tại TP HCM tăng dần sau Tết, từ vài chục ca mỗi ngày lên vài trăm và hôm 23/2 lên hơn 1.400 trường hợp. Kết quả tầm soát ngẫu nhiên một tuần gần đây ghi nhận 70/92 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với biến chủng Omicron, chiếm tỷ lệ 76%. Đa số bệnh nhân được cách ly, điều trị tại nhà. Người mắc Covid-19 nặng, thở máy, tử vong chưa có dấu hiệu tăng.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết đã có đủ các cơ sở khoa học chứng minh nhiều khả năng biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trong cộng đồng. Điều này phần nào lý giải số bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tăng do biến chủng mới có tốc độ lây nhiễm nhanh.
Theo ông Thượng, thành phố đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch, trong đó tập trung hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mùa xuân giai đoạn hai kết thúc vào ngày 28/2. Trong giai đoạn này, kể từ ngày 7/2 đến nay thành phố đã tiêm được mũi một thêm cho hơn 6.000 người, mũi hai cho hơn 26.000 người và mũi bổ sung, nhắc lại cho hơn 85.000 người.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cho rằng để tăng cường miễn dịch trước biến chủng Omicron thì tiêm chủng là biện pháp cực kỳ quan trọng. Do đó các quận huyện, TP Thủ Đức tiếp tục tổ chức, mời gọi người dân ra tiêm. Người dân cần chủ động liên hệ địa phương để được tiêm chủng khi tới lượt.
Bên cạnh đó, chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ (bao gồm cả trẻ em béo phì) đang được thành phố tiếp tục đẩy mạnh. Trong bối cảnh học sinh đi học lại, F0 trẻ em đang tăng, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 12 tuổi chưa tiêm vaccine, Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp với các chuyên gia chuyên ngành nhi khoa để bàn bạc, thống nhất các giải pháp. Theo đó, ngành y tế xây dựng và triển khai kế hoạch thu dung, điều trị theo từng kịch bản khi số ca nhiễm là trẻ em gia tăng, tăng cường tập huấn cho nhân viên y tế, giáo viên nhà trường, lập kênh tư vấn từ xa, sẵn sàng tổ chức tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi khi có hướng dẫn từ Bộ Y tế.
"Sở sẽ kiến nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn trong việc xét nghiệm truy vết chủng Omicron. Không nhất thiết trường hợp nào cũng giải trình tự gene virus rất tốn kém", ông Thượng nói. Trong thời gian này, các quận huyện không ban hành quyết định phong tỏa mà tạm khoanh vùng để kiểm soát nguy cơ sớm nhất, gọn nhất, hiệu quả điều tra để bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, tại cuộc họp chiều 22/2 nhấn mạnh vaccine và thuốc là vũ khí quan trọng để ứng phó với những dấu hiệu mới của dịch, ngăn chặn sự lây lan Covid-19. Trong đó, phải chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi càng sớm càng tốt và tiêm cho những người còn lại, nhất là người có nguy cơ; chuẩn bị phân phối thuốc, phủ nhanh thuốc điều trị Covid-19 trên địa bàn khi được Bộ Y tế cho phép. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ em mắc Covid-19 để chăm sóc trẻ em một cách chu đáo.
Ông Nên đề nghị nhóm nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu cùng Sở Y tế chuẩn bị những kịch bản trong trường hợp biến thể mới BA.2 (còn gọi là "Omicron tàng hình") xuất hiện. "Cần chuẩn bị cho tình huống nếu biến thể này xét nghiệm không phát hiện ra, vaccine không bảo vệ được thì chúng ta cần làm gì", ông nói.
Người đứng đầu Đảng bộ TP HCM yêu cầu ngành y tế phải ban hành sớm nhất quy trình hướng dẫn thống nhất tới cơ sở, từng pháo đài, hướng dẫn cụ thể như thế nào là ổ dịch; khi có ổ dịch thì làm gì để kiểm soát, hạn chế sự lây nhiễm, nhất là đối với người có nguy cơ và trẻ em.
Các chuyên gia dự báo số ca nhiễm sẽ tăng trong thời gian tới bởi biến chủng Omicron có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn các biến chủng trước, song không đáng lo.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành truyền nhiễm, cho rằng việc Omicron chiếm ưu thế tại TP HCM, lấn át chủng Delta là "tín hiệu đáng mừng" vì các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nhóm này gây triệu chứng nhẹ hơn, dù lây nhanh hơn như mau khỏi bệnh hơn.
"Theo quy luật, với tỷ lệ Omicron khoảng 76% như hiện nay, trong khoảng hai tuần nữa nó sẽ chiếm hơn 90%", bác sĩ Khanh nói và lý giải dự đoán xuất phát từ việc chủng này lây lan nhanh, tăng ca nhiễm nhanh hơn chủng khác và thành phố đang mở cửa. Omicron đã chiếm ưu thế tức đã xuất hiện trong cộng đồng trong vài tuần qua, nhưng không gây quá tải đến khối điều trị, do đó sẽ không tạo gánh nặng, không đáng lo. Điều quan trọng là đừng để mất nhân sự lao động.
PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP HCM, cũng cho rằng khi biến chủng Omicron chiếm ưu thế, chắc chắn số ca mắc sẽ tăng nhưng số ca nặng, tử vong tăng hay không lại phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm chủng, sự tuân thủ phòng chống dịch của người dân giúp làm giảm sự lây truyền bệnh. "Nếu người dân nỗ lực thực hiện 5K thì làn sóng dịch lần này nhỏ hơn, không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống", phó giáo sư Dũng nói.
Theo ông Dũng, với nhóm người khỏe mạnh, đã tiêm ngừa đủ, việc nhiễm Omicron không quá đáng sợ vì chủng này nguy cơ chuyển nặng thấp. F0 nên tham gia sinh hoạt, học tập, làm việc bình thường. Điểm có lợi khi nhóm này nhiễm bệnh là họ sẽ có được thêm miễn dịch mạnh hơn là tiêm chủng thông thường. Tuy nhiên, điều có hại là nếu bị nhiễm Omicron thì có thể lây cho người khác, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ, trẻ chưa được tiêm chủng. Do đó, người trẻ vẫn nên tuân thủ 5K để hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc bệnh, từ đó tránh ảnh hưởng người khác, làm gánh nặng cho ngành y tế.
Riêng người già, người mắc bệnh nền, phó giáo sư khuyến cáo cần thận trọng phòng bệnh hơn, hạn chế các hoạt động xã hội, không nên đến những nơi nhiều nguy cơ. Nếu xét nghiệm dương tính, khai báo cho y tế địa phương để được quản lý, chăm sóc và điều trị cũng như tuân thủ quy định cách ly để hạn chế lây nhiễm cho người khác.
Nguồn: https://vnexpress.net/tp-hcm-xay-phao-dai-khi-omicron-chiem-uu-the-trong-cong-dong-4430946.html