Có rất nhiều cách trị dị ứng da mặt bạn có thể áp dụng để giảm nhẹ tình trạng ngứa ngáy hay sưng da. Nếu không muốn dùng thuốc uống hay thuốc bôi, bạn có thể thử các phương pháp dân gian như uống nước khổ qua.
Bụi bẩn, phấn hoa hay một số loại thực phẩm có thể khiến bạn gặp các phản ứng dị ứng như ngứa ngáy, sưng hoặc khô da. Để giảm nhẹ các triệu chứng này, bạn có thể áp dụng các cách trị dị ứng da mặt như uống thuốc, thoa kem dưỡng ẩm hoặc uống nước khổ qua.
Nguyên nhân gây dị ứng da mặt
Các phản ứng dị ứng da mặt có thể do bạn đã ăn, hít phải hoặc để da tiếp xúc với tác nhân dị ứng. Nhìn chung, bạn có thể bị dị ứng da mặt do các nguyên nhân sau:
1. Tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng
Tình trạng da phản ứng sau khi tiếp xúc trực tiếp với một chất nào đó gọi là viêm da tiếp xúc. Đây là một bệnh thường ảnh hưởng tới tay và mặt. Phản ứng dị ứng này có thể xảy ra sau khi tiếp xúc với:
- Các loại xà phòng và chất tẩy rửa
- Mỹ phẩm và các sản phẩm làm đẹp khác
- Trang sức bằng kim loại
- Cao su
- Dung môi hoặc hóa chất
- Bụi bẩn và đất
- Cây cối…
2. Dị ứng không theo mùa
Viêm mũi dị ứng không theo mùa gây ra các triệu chứng tương tự chứng viêm mũi dị ứng nhưng có thể xuất hiện quanh năm. Tình trạng này có thể do các tác nhân như:
- Mạt bụi (một loại côn trùng cực nhỏ sống trên giường, thảm và đồ nội thất mềm)
- Bào tử do nấm mốc và nấm tạo ra
- Nước tiểu, nước bọt và vảy da chết của động vật.
3. Dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm là do hệ miễn dịch phản ứng sai cách với một loại thực phẩm hoặc thành phần cụ thể nào đó trong món ăn. Tình trạng này thường gặp ở trẻ nhỏ hơn nhưng cũng có thể xuất hiện ở người lớn.
4. Dị ứng thuốc
Một số người cũng có thể có phản ứng dị ứng với một số loại thuốc tiêm hoặc thuốc uống. Các tình trạng dị ứng thuốc thường gặp là dị ứng với:
- Penicillin và các kháng sinh liên quan
- Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID), chẳng hạn như aspirin và ibuprofen
- Thuốc chống co giật
- Thuốc hóa trị..
5. Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng hay viêm mũi dị ứng theo mùa là tình trạng dị ứng với phấn hoa của cây cối hay cỏ. Chứng này xuất hiện khi bạn hít phải phấn hoa hoặc để phấn hoa tiếp xúc với mặt hoặc mắt. Chứng viêm mũi dị ứng ảnh hưởng nhiều nhất vào những tháng mùa xuân và mùa hè khi lượng phấn hoa trong không khí cao.
6. Chàm dị ứng
Bệnh chàm cơ địa hay còn gọi là bệnh viêm da cơ địa thường liên quan tới tình trạng khô da và có xu hướng di truyền trong gia đình. Chứng này phổ biến hơn ở trẻ em nhưng cũng có thể xuất hiện ở người lớn ở mọi lứa tuổi. Các tác nhân có thể kích hoạt bệnh chàm là:
- Dị ứng thực phẩm
- Mạt bụi
- Các chất tẩy rửa, xà phòng
- Một số loại vải
- Thay đổi nồng độ hormone, như trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai
- Thời tiết lạnh và khô…
Bị dị ứng da mặt có những triệu chứng nào?
Các triệu chứng của phản ứng dị ứng da mặt có thể bao gồm:
- Phát ban hoặc nổi mề đay
- Bị sưng một vùng da
- Xuất hiện đốm đỏ, nhỏ trên da
- Cảm giác ngứa, châm chích hoặc bỏng rát
- Sưng môi và mắt
- Sưng lưỡi
- Đỏ, ngứa mắt
- Chảy nước mắt
- Da khô hoặc nứt nẻ
Mách bạn các cách trị dị ứng da mặt
Cách trị dị ứng ngứa da mặt tùy thuộc vào loại dị ứng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Sau đây là những cách trị dị ứng da mặt phổ biến:
1. Cách trị dị ứng da mặt bằng thuốc
Các phương pháp điều trị dị ứng da mặt bằng thuốc có thể kể đến bao gồm:
Dùng thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin có thể giúp các vết phát ban và mề đay bớt sưng tấy, mẩn đỏ và ngứa. Thuốc cũng có thể giúp giảm các triệu chứng khác như chảy nước mắt, nghẹt mũi và khó thở.
Nếu biết trước mình sẽ tiếp xúc với chất gây dị ứng, bạn cũng có thể dùng thuốc kháng histamin trước để ngăn ngừa hoặc giảm phản ứng dị ứng. Loại thuốc này thường có dạng viên nén, kem bôi, thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi.
Dùng corticosteroid
Các loại kem bôi, thuốc xịt và thuốc nhỏ mắt có chứa corticosterone có thể giúp giảm viêm và thông mũi. Bạn có thể tìm mua các loại kem bôi corticosteroid nhẹ ở nhà thuốc. Thế nhưng, đối với các loại kem mạnh hơn và thuốc steroid đường uống, bạn sẽ cần đơn thuốc của bác sĩ.
2. Cách trị dị ứng da mặt tại nhà
Bên cạnh việc dùng thuốc, bạn cũng có thể thử một số cách trị dị ứng ngứa da mặt tại nhà để giúp giảm nhẹ các triệu chứng như sau:
Thoa kem dưỡng ẩm
Các loại kem dưỡng ẩm làm mềm da không kê đơn hoặc kê đơn có thể giúp dưỡng ẩm cho da khô và giảm ngứa. Kem dưỡng ẩm cũng tạo thành một lớp màng bảo vệ chống lại các chất gây dị ứng.
Chườm lạnh
Việc chườm khăn ẩm và mát có thể giúp bạn làm dịu cơn ngứa và giảm viêm. Bạn có thể chườm lạnh cho da bất cứ khi nào cần để giảm bớt cảm giác khó chịu.
Trị dị ứng da mặt bằng khổ qua
Khổ qua có thể giúp bạn loại bỏ độc tố trong cơ thể và cả bụi bẩn trên da nên rất có ích trong việc trị dị ứng da mặt.
Rửa mặt bằng khổ qua để trị dị ứng
Da mặt khi bị dị ứng sẽ nhạy cảm hơn bình thường nên sữa rửa mặt bạn đang dùng có thể sẽ không còn phù hợp. Bạn có thể thử dùng nước khổ qua để rửa mặt khi da đang bị dị ứng theo cách sau:
Chuẩn bị:
- 1 trái khổ qua
Cách thực hiện:
- Rửa sạch khổ qua rồi bỏ ruột, cắt nhỏ và xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố.
- Làm ẩm mặt rồi thoa khổ qua xay lên mặt.
- Mát xa da mặt nhẹ nhàng trong 5 phút để rửa sạch hết bụi bẩn trong lỗ chân lông và đẩy dưỡng chất vào sâu trong da hơn. Điều này sẽ giúp bạn loại bỏ vi khuẩn và tái tạo vùng da bị tổn thương.
- Sau khi mát xa, rửa mặt lại với nước sạch và thấm khô da.
Bạn có thể áp dụng cách trị dị ứng da mặt bằng khổ qua này 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối.
Trị dị ứng da mặt bằng nước khổ qua
Nước khổ qua có thể giúp bạn loại bỏ bớt độc tố bên trong cơ thể, từ đó cải thiện tình trạng dị ứng da mặt. Bạn có thể làm nước khổ qua theo cách sau:
Chuẩn bị:
- 2 trái khổ qua
Cách thực hiện:
- Rửa sạch khổ qua, ngâm với nước muối loãng rồi bỏ hột và cắt nhỏ.
- Bỏ khổ qua vào máy ép hoa quả để ép lấy nước.
- Nếu không có máy ép hoa quả, bạn có thể bỏ khổ qua và nước vào máy xay sinh tố để xay nhuyễn. Sau khi xay, bạn đổ hỗn hợp vào một miếng vải sạch hoặc rây để lọc lấy nước.
Bạn có thể uống 2 cốc nước khổ qua nhỏ mỗi ngày cho đến khi tình trạng dị ứng da mặt thuyên giảm.
Có rất nhiều cách trị dị ứng da mặt bạn có thể áp dụng để cải thiện các triệu chứng ngứa ngáy, sưng tấy khó chịu. Khi đã không còn các triệu chứng này, làn da sẽ lại khỏe mạnh và mịn màng ngay đấy.
Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: https://hellobacsi.com/di-ung/di-ung-da/cach-tri-di-ung-da-mat/