Không có cách chữa khỏi bệnh viêm phế quản mãn tính. Tuy nhiên, thuốc hỗ trợ điều trị viêm phế quản mãn tính và một vài phương pháp bổ trợ khác có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, làm chậm sự tiến triển của bệnh và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Vậy, người bị viêm phế quản mãn tính uống thuốc gì và có những loại thuốc chữa viêm phế quản mãn tính nào hiện nay? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu và khám phá trong bài viết ngay sau đây nhé!
7 loại thuốc trị viêm phế quản mãn tính phổ biến
Trong phác đồ điều trị viêm phế quản mạn tính, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc trị viêm phế quản mãn tính sau đây:
Thuốc giãn phế quản dạng hít
Thuốc giãn phế quản dạng hít là một trong những loại thuốc trị viêm phế quản mãn tính được dùng phổ biến nhất và kê đơn đầu tiên. Thuốc chủ yếu được dùng dưới dạng hít thông qua một ống hít để đưa thuốc trực tiếp vào phổi.
Thuốc giãn phế quản dạng hít có tác dụng giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm phế quản mãn tính, hỗ trợ bệnh nhân thở tốt hơn bằng cách làm thư giãn và mở rộng các đường dẫn khí trong phổi.
Một số loại thuốc giãn phế quản dạng hít thường được chỉ định bao gồm:
- Thuốc hít chủ vận beta-2, chẳng hạn như: salbutamol, terbutaline, salmeterol, formoterol và indacaterol. Hiện nay có một số loại thuốc hít mới có sự kết hợp của chất chủ vận beta-2 tác dụng kéo dài và thuốc kháng sinh.
- Thuốc hít antimuscarinic, chẳng hạn như: ipratropium, tiotropium, glycopyrronium và aclidinium.
Thuốc giãn phế quản dạng hít nên được sử dụng ngay khi bạn cảm thấy khó thở, từ 1-2 lần/ngày và tối đa 4 lần một ngày. Điều quan trọng là bạn cần biết cách sử dụng ống hít để đưa thuốc vào phổi đúng cách với đủ liều lượng và đúng tần suất để có được tối đa hiệu quả của thuốc.
Thuốc hít steroid
Nếu triệu chứng khó thở vẫn không được cải thiện với ống hít kể trên hoặc thường xuyên tái phát những đợt viêm cấp, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc hít steroid. Thuốc hít steroid có chứa corticosteroid, có tác dụng giúp giảm viêm trong đường hô hấp.
Tuy nhiên, sử dụng trong thời gian dài, thuốc trị viêm phế quản mãn tính steroid dạng hít có thể gây ra các tác dụng phụ, chẳng hạn như nhiễm nấm vùng hầu họng, xương yếu, huyết áp cao, tiểu đường và đục thủy tinh thể. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, đồng thời cân nhắc rủi ro và lợi ích trước khi quyết định dùng loại thuốc này.
Thuốc trị viêm phế quản mãn tính: Theophylline
Nếu bạn bị khó thở nghiêm trọng và không thể kiểm soát bằng các loại thuốc dạng hít, bác sĩ thường sẽ kê đơn thêm các loại thuốc giãn phế quản dạng viên nén.
Theophylline là một loại thuốc giãn phế quản dạng viên nén có tác dụng làm giảm sưng (viêm) trong đường thở và thư giãn các cơ đường thở. Theophylline có dạng viên nén hoặc viên nang và thường được dùng 2 lần một ngày.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm:
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Mất ngủ
- Tim đập mạnh, hồi hộp, đánh trống ngực.
Vì vậy, bạn có thể cần phải làm xét nghiệm máu thường xuyên trong quá trình sử dụng loại thuốc trị viêm phế quản mãn tính này để kiểm tra nồng độ thuốc trong máu. Điều này sẽ giúp bác sĩ điều chỉnh liều lượng thuốc tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng đồng thời giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Đôi khi, một loại thuốc giãn phế quản dạng viên nén tương tự được gọi là aminophylline cũng có thể được kê đơn.
Thuốc trị viêm phế quản mãn tính: Thuốc tiêu đờm
Nếu bệnh nhân viêm phế quản mãn tính xuất hiện triệu chứng bị ho dai dẳng, tức ngực kèm theo nhiều đờm đặc, bác sĩ có thể chỉ định bạn nên dùng một loại thuốc tiêu đờm có tên là carbocisteine. Carbocisteine được dùng dưới dạng viên nén hoặc viên nang, dùng 3 hoặc 4 lần một ngày. Công dụng là giúp làm cho đờm trong cổ họng loãng hơn và dễ ho ra hơn.
Nếu carbocistetine không hiệu quả hoặc chống chỉ định với người bệnh, một loại thuốc tiêu đờm khác cũng có thể được kê đơn có tên là acetylcysteine. Đây là một loại thuốc dạng bột, cần trộn với nước để uống. Bột acetylcysteine có mùi khó chịu, giống như mùi trứng thối, nhưng mùi này sẽ biến mất sau khi bạn trộn nó với nước.
Thuốc steroid dạng viên
Tương tự như thuốc dạng hít, thuốc steroid dạng viên cũng có tác dụng làm giảm viêm đường hô hấp. Thuốc có thể được kê đơn trong một đợt điều trị ngắn, khoảng 5 ngày nếu bạn bị bùng phát các triệu chứng viêm phế quản nặng.
Việc sử dụng thuốc viên steroid trong thời gian dài cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như:
- Tăng cân
- Cảm thấy lâng lâng
- Xương yếu, loãng xương.
- Rối loạn nội tiết: hội chứng Cushing do thuốc,…
Bác sĩ có thể kê đơn một lượng thuốc viên steroid dự trữ tại nhà để uống ngay khi các triệu chứng bùng phát nặng. Nếu muốn điều trị liệu trình dài hơn, bác sĩ sẽ phải cân nhắc, kê đơn thuốc với liều thấp nhất để vẫn đảm bảo hiệu quả mà giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh là thuốc trị viêm phế quản mãn tính chỉ được dùng khi có nhiễm trùng đường hô hấp.
Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh với liệu trình ngắn hạn nếu bạn xuất hiện các dấu hiệu bị nhiễm trùng hô hấp, bao gồm:
- Ho nhiều hơn
- Đờm trở nên đặc hơn, đổi màu vàng, xanh lá cây hoặc nâu
- Sốt
- Khó thở nghiêm trọng hơn.
Đôi khi, bệnh nhân cũng được kê một đợt thuốc kháng sinh để dự phòng tại nhà và dùng ngay khi có các triệu chứng của nhiễm trùng.
Thuốc trị viêm phế quản mãn tính nặng
Ngoài ra khi bạn có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc phải trải qua một đợt viêm phế quản cấp tính đặc biệt nặng, bạn cần được điều trị bổ sung bằng các thuốc:
- Thuốc phun sương: dùng khi thuốc hít không có tác dụng. Thuốc này sử dụng một máy phun khí dung để biến thuốc dạng lỏng thành sương mù. Bạn sẽ hít trực tiếp vào phổi qua ống ngậm hoặc mặt nạ. Một lần hít nhận được lượng lớn thuốc.
- Viên nén Roflumilast: đây là thuốc trị viêm phế quản mới, được dùng để điều trị các đợt cấp tính. Roflumilast khuyến khích cho những người có các triệu chứng đột ngột trở nặng trong ít nhất 2 tháng trong 12 tháng qua, từng sử dụng thuốc hít. Tác dụng của Roflumilast là giảm viêm bên trong phổi và đường hô hấp.
Các phương khác khác không dùng thuốc
Một số các phương pháp điều trị viêm phế quản mãn tính khác có thể bổ sung với việc dùng thuốc bao gồm:
- Bỏ hút thuốc và tránh xa các chất gây kích thích đường thở như khói bụi, chất hóa học,…
- Thở oxy để giúp thở tốt và sống lâu hơn. Chỉ sử dụng đối với những bệnh nhân viêm phế mạn mức độ nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác và có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
- Phục hồi chức năng phổi bao gồm các kỹ thuật thở đặc biệt, hỗ trợ bỏ thuốc lá, tư vấn chế độ dinh dưỡng và bắt đầu chế độ tập thể dục phù hợp. Chương trình này được hướng dẫn bởi các bác sĩ.
- Phẫu thuật cắt bỏ bớt các mô phổi bị tổn thương hoặc tiến hành ghép phổi trong trường hợp bệnh nặng.
- Tiêm phòng cúm hàng năm và tiêm phòng viêm phổi do phế cầu khuẩn theo chỉ định để bảo vệ phổi.
Việc dùng các loại thuốc trị viêm phế quản mãn tính theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp làm giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng. Tuyệt đối không được tự ý bỏ liều, tránh quên liều hay dùng thuốc không đúng chỉ định của bác sĩ.