Bảo hiểm thân thể: Dễ dàng tham gia, lợi ích to lớn

Trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày, chúng ta phải đối mặt với không ít các rủi ro về sức khỏe và thân thể. Việc tham gia bảo hiểm thân thể tự nguyện sẽ giúp bạn có thêm một lớp bảo vệ cho “tài sản” quý nhất này.

Vậy bảo hiểm thân thể là gì? Những ai có thể tham gia loại hình bảo hiểm này? Để tham gia loại hình bảo hiểm này, bạn cần phải làm những gì? Những thông tin được tổng hợp trong bài viết sau đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời.

Bảo hiểm thân thể là gì?

Khái niệm

Bảo hiểm thân thể là loại bảo hiểm cho những rủi ro gây thiệt hại cho thân thể con người.

Đối tượng tham gia

Mọi công dân Việt Nam đều có thể là đối tượng tham gia của bảo hiểm thân thể.

Người lao động tại các xí nghiệp, nhà máy được khuyến khích tham gia vì công việc có nhiều nguy cơ ảnh hưởng lên cơ thể và sức khỏe. Học sinh, sinh viên là độ tuổi năng động, dễ xảy ra những bất cẩn, cũng có thể tham gia để phòng trường hợp bất trắc. Ngoài ra, mọi người đều có thể nhận được sự bảo vệ tốt hơn từ loại bảo hiểm này.

Những người có bệnh về thần kinh, khuyết tật hoặc thương tật vĩnh viễn trên 50%… không được tham gia loại hình bảo hiểm này.

Đặc điểm của bảo hiểm thân thể

Đây là bảo hiểm mang tính tự nguyện, bạn có thể tùy ý tham gia hoặc không. Thời hạn của bảo hiểm thường chỉ kéo dài 1 năm. Phí đóng bảo hiểm thân thể rất thấp, để mọi người đều có thể tiếp cận loại bảo hiểm này.

Học sinh, sinh viên được nhà nước hỗ trợ khi tham gia loại hình bảo hiểm này và chỉ cần đóng 100.000 đồng/tháng. Nếu có hoàn cảnh khó khăn sẽ được giảm 50% phí. Học sinh, sinh viên là con em gia đình thương binh liệt sĩ được miễn phí hoàn toàn khi tham gia bảo hiểm.

Những lợi ích khi tham gia bảo hiểm thân thể

bảo hiểm thân thể

Phạm vi, trường hợp hỗ trợ của bảo hiểm thân thể

Tùy vào điều khoản cụ thể của hợp đồng, bảo hiểm thân thể bảo hiểm cho những tổn thương xảy ra trong và ngoài thời gian làm việc, học tập.

Quyền lợi của người tham gia

Bảo hiểm thân thể sẽ chi trả cho người được bảo hiểm các chi phí vận chuyển cấp cứu, nhập viện, điều trị, thuốc… Hạn mức chi trả do người được bảo hiểm chọn lựa khi tham gia bảo hiểm.

Ngoài ra, bảo hiểm cũng sẽ hỗ trợ số ngày lương bị mất vì nằm viện và điều trị thương tật tạm thời chưa đi làm được. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ thường không vượt quá 6 tháng.

Nếu người được bảo hiểm bị thương tật vĩnh viễn, căn cứ theo tỷ lệ thương tật, bảo hiểm thân thể sẽ bồi thường số tiền tương ứng, được nêu rõ trong hợp đồng.

Toàn bộ số tiền bảo hiểm sẽ được chi trả, sau khi trừ đi những hỗ trợ trước đó (nếu có), nếu người được bảo hiểm tử vong hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn.

4 lưu ý khi tham gia bảo hiểm thân thể

1. Lựa chọn hạn mức bồi thường của bảo hiểm thân thể

Hiện nay, nhiều công ty bảo hiểm cung cấp các sản phẩm bảo hiểm thân thể với quyền lợi rất đa dạng. Thông thường, tổng hạn mức bồi thường (hay mệnh giá) của sản phẩm bảo hiểm được lựa chọn bằng 1 trong 2 cách:

  • Cách 1: Hạn mức bồi thường = Lương thực tế x 36 tháng
  • Cách 2: Lựa chọn hạn mức bằng con số cụ thể: 10 triệu, 20 triệu, 30 triệu…

Hạn mức khác nhau sẽ có phí bảo hiểm khác nhau. Bạn cần ước lượng nếu xảy ra tai nạn, thương tật thì cần số tiền bao nhiêu để hỗ trợ chi phí điều trị và trang trải cuộc sống trong lúc không đi làm được.

2. Lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh

Hợp đồng bảo hiểm thân thể sẽ bao gồm danh sách những bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh mà bạn sẽ nhận được khoản hỗ trợ chi phí tốt nhất khi khám và điều trị tại đây. Đó thường là bệnh viện công lập, chịu sự quản lý trực tiếp của nhà nước.

Nếu muốn điều trị tại bệnh viện khác (nhưng phải nằm trong danh sách liên kết của bảo hiểm), bạn sẽ được hỗ trợ một phần chi phí.

Việc điều trị có thể mở rộng ra nước ngoài nếu người được bảo hiểm có yêu cầu.

3. Những trường hợp không được chi trả bảo hiểm

bảo hiểm thân thể

Bạn cần lưu ý rằng bảo hiểm thân thể sẽ không chi trả nếu tai nạn, thương tật cơ thể gây ra bởi các nguyên nhân sau:

  • Chiến tranh, khủng bố, bạo loạn
  • Hoạt động mạo hiểm
  • Là hậu quả của các bệnh, có sẵn hoặc vừa khởi phát (cảm, trúng gió, tai biến…)
  • Ngộ độc thực phẩm
  • Mang thai và sinh con
  • Là hậu quả của việc sử dụng rượu bia, chất kích thích
  • Vi phạm pháp luật
  • Nhiễm phóng xạ
  • Người được bảo hiểm cố ý gây thương tích
  • Tham gia vào các cuộc xô xát
  • Không tuân thủ hướng dẫn điều trị của bệnh viện hoặc cơ sở y tế.

4. Thủ tục để được hỗ trợ, bồi thường

Ngoài hợp đồng bảo hiểm thân thể, người được bảo hiểm cần nộp những loại giấy tờ sau cho chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của công ty bảo hiểm:

  • Đơn yêu cầu bồi thường
  • Biên bản tai nạn có xác nhận của cơ quan chức năng có thẩm quyền
  • Các giấy tờ xác nhận điều trị của cơ sở y tế (giấy ra viện, chứng nhận phẫu thuật… các hóa đơn chứng từ khác)
  • Giấy chứng tử, chứng minh quyền thừa kế hợp pháp (nếu người được bảo hiểm tử vong)
  • Một số giấy tờ khác mà công ty bảo hiểm có thể yêu cầu.

Hello Bacsi hy vọng rằng những thông tin trên đã giúp bạn trả lời được câu hỏi bảo hiểm thân thể là gì cũng như cung cấp các lưu ý hữu ích nếu bạn muốn tham gia loại bảo hiểm này.

Verifying…

Post a Comment

Previous Post Next Post