Bảo hiểm thường mang tính chất tự nguyện. Tuy nhiên, một số lĩnh vực có đặc thù rủi ro riêng đòi hỏi các loại bảo hiểm bắt buộc tương ứng để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.
Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu quy định của pháp luật về các loại bảo hiểm này, đặc biệt là 2 loại bảo hiểm liên quan mật thiết với đời sống là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Các loại bảo hiểm bắt buộc được pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí và số tiền bảo hiểm tối thiểu. Đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được quy định cụ thể bởi văn bản pháp luật của chính lĩnh vực đó. Các loại bảo hiểm bắt buộc đều có cùng mục đích là đảm bảo khắc phục được các rủi ro thiệt hại do ngành nghề gây ra, qua đó bảo vệ lợi ích cộng đồng và an toàn xã hội.
Các loại bảo hiểm bắt buộc đối với người sử dụng lao động
Để người lao động được đảm bảo quyền lợi trong khi chuyên tâm làm việc, Luật Bảo hiểm Xã hội quy định về các loại bảo hiểm bắt buộc mà người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động của mình.
Đối tượng áp dụng của các loại bảo hiểm bắt buộc trong quan hệ lao động
Theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội, cá nhân, tổ chức thuộc 5 nhóm sau phải tham gia đóng các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của mình:
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác
- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác
- Cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Tương tự, người lao động cùng tham gia đóng phí và là đối tượng thụ hưởng của các loại bảo hiểm này bao gồm:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không thời hạn, có thời hạn, hoặc mùa vụ từ 3 tháng trở lên; bao gồm hợp đồng ký với với người đại diện của người lao động dưới 15 tuổi; làm việc trong nước hoặc nước ngoài; cấp quản lý, điều hành có hưởng lương.
- Cán bộ, công chức, viên chức, người làm trong các tổ chức nhà nước, quân đội, quốc phòng, công an; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
- Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
3 loại bảo hiểm bắt buộc cần đóng cho người lao động là gì
1. Bảo hiểm xã hội
Quyền lợi bảo hiểm xã hội bao gồm 3 chế độ chính: ốm đau – thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp và hưu trí – tử tuất. Bảo hiểm xã hội đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động bị giảm hoặc mất khi thuộc vào các trường hợp này.
Thời gian hưởng và mức hưởng mỗi chế độ phụ thuộc vào tình trạng của người lao động, mức độ nặng nhọc, nguy hiểm của ngành nghề, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và mức đóng bảo hiểm xã hội.
2. Bảo hiểm y tế
Bảo hiểm y tế có 2 loại hình: tự nguyện và bắt buộc. Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế cho người lao động của mình.
3. Bảo hiểm thất nghiệp
Đây là một trong các loại bảo hiểm bắt buộc mà người sử dụng lao động phải tham gia chi trả cho người lao động là công dân Việt Nam. Bảo hiểm thất nghiệp giúp bù đắp một phần thu nhập khi người lao động mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề và tìm việc làm mới.
Mức đóng các loại bảo hiểm bắt buộc đối với người sử dụng lao động
Mức đóng được tính theo tỷ lệ % trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng, hoặc % của mức lương cơ sở (đối với người lao động hưởng theo chế độ tiền lương của nhà nước), cụ thể như sau:
Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp – các loại bảo hiểm bắt buộc với ngành nghề đặc biệt
Tổ chức, cá nhân làm việc trong một số lĩnh vực, ngành nghề phải tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc theo luật định. Các loại bảo hiểm bắt buộc này bảo hiểm cho trách nhiệm của người hành nghề đối với thiệt hại của bên thứ ba, thường là khách hàng, vì các lỗi không cố ý của họ trong lúc làm việc. Nhờ đó nếu xảy ra tổn thất, bên thứ ba sẽ được đền bù thỏa đáng, cũng như bảo vệ người được bảo hiểm khỏi các trách nhiệm pháp lý nặng hơn.
Sau đây là một số ngành nghề cần mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp:
1. Luật sư
Rủi ro thiệt hại mà các luật sư có thể gây ra cho khách hàng bao gồm tư vấn sai, làm mất tài liệu hay chứng từ có giá trị… Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định “tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm”.
2. Công chứng viên
Công chứng viên có thể gây ra thiệt hại khi công chứng văn bản không đúng quy định của pháp luật. Tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm bắt buộc về trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của mình theo quy định tại Luật Công chứng 2014.
3. Công ty kiểm toán
Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định doanh nghiệp kiểm toán hoặc chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kiểm toán viên hoặc lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính. Sai sót trong quá trình kiểm toán có thể gây thiệt hại cho khách hàng và người sử dụng kết quả kiểm toán.
4. Nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng
Theo Luật xây dựng 2014, nhà thầu có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp khi khảo sát, thiết kế công trình có quy mô từ cấp II trở lên hoặc có kết cấu đặc biệt, ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng. Nhờ đó, nhà thầu sẽ được bảo hiểm cho trách nhiệm nếu xảy ra các vấn đề về thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình…
Tương tự, một số cá nhân, tổ chức khác phải mua các loại bảo hiểm bắt buộc về trách nhiệm nghề nghiệp bao gồm công ty chứng khoán, thẩm định giá, môi giới bảo hiểm, quản lý quỹ…
Các loại bảo hiểm bắt buộc thường gặp trong đời sống
1. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới
Đây là một trong các loại bảo hiểm bắt buộc chủ xe cơ giới phải tham gia theo quy định của pháp luật. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới sẽ bồi thường cho thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản của bên thứ ba do xe cơ giới gây ra. Số tiền bồi thường dựa trên mức độ thiệt hại, mức độ lỗi của người điều khiển xe cơ giới và hạn mức bồi thường của hợp đồng bảo hiểm.
Thời hạn của bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm đối với xe motor 2 bánh, 3 bánh và xe gắn máy tương tự, hoặc tối đa theo hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ với các phương tiện cơ giới khác.
Lưu ý bảo hiểm sẽ không bồi thường nếu:
- Lỗi cố ý của chủ xe, người điều khiển xe hoặc bên thứ ba.
- Người gây tai nạn cố ý bỏ chạy, không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe (nếu có thực hiện trách nhiệm thì không bị loại trừ).
- Chưa đủ tuổi hoặc quá tuổi điều khiển xe. Không có giấy phép lái xe hợp lệ yêu cầu cho loại xe điều khiển, bị tước giấy phép lái xe có thời hạn hoặc thu hồi vĩnh viễn.
- Không bồi thường cho các hậu quả gián tiếp do tai nạn như tài sản được vận chuyển bị giảm giá trị thương mại hoặc giá trị sử dụng.
- Điều khiển xe khi trong người có nồng độ cồn, ma túy, chất kích thích bị cấm.
- Tài sản bị mất cắp trong tai nạn. Thiệt hại với tài sản đặc biệt: vàng, bạc, đá quý, giấy tờ có giá trị (tiền…), đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.
- Chiến tranh, khủng bố, động đất.
Từ tháng 03/2021, người dân có thể sử dụng chứng nhận bảo hiểm điện tử.
2. Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là gì
Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định bảo hiểm cháy nổ là một trong các loại bảo hiểm bắt buộc đối với tất cả những nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Bên cạnh những cơ sở thuộc quản lý nhà nước và các ngành nghề đặc biệt, các công trình, địa điểm cần mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc bao gồm:
- Học viện, trường học, trung tâm giáo dục khối tích lớp học trên 5000 m3; nhà trẻ, trường mẫu giáo trên 100 học sinh
- Bệnh viện, nhà điều dưỡng, cơ sở y tế từ 21 giường
- Trung tâm văn hóa từ 300 chỗ ngồi, sân vận động trên 5000 chỗ, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí từ 1500 m3…
- Chợ kiên cố, bán kiên cố, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa có tổng diện tích gian hàng từ 300m2 hoặc khối tích từ 1000m3.
- Bãi xe có sức chứa trên 200 ô tô, gara chứa được từ 5 ô tô
- Nhà chung cư, nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, trụ sở của các tổ chức, doanh nghiệp cao từ 5 tầng hoặc khối tích từ 5000m3
- Cửa hàng kinh doanh xăng dầu mọi quy mô, cửa hàng kinh doanh khí đốt có tổng lượng khí tồn từ 70kg.
- Kho hàng, vật tư cháy được hoặc đựng trong bao bì cháy được khối tích từ 1000m3, bãi hàng hóa, vật tư từ 500m2.
Chủ cơ sở, công trình phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho toàn bộ tài sản bao gồm nhà, công trình, tài sản gắn liền, máy móc, thiết bị, hàng hóa, vật tư…
Số tiền bảo hiểm tối thiểu bằng với giá trị thị trường của các tài sản tại thời điểm giao kết. Mức phí bảo hiểm được thỏa thuận dựa trên tỷ lệ phí quy định tại phụ lục của nghị định nói trên.
3. Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nhà chung cư
Như vậy, một trong các loại bảo hiểm bắt buộc cư dân nhà chung cư phải tham gia là bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho căn hộ và tài sản bên trong. Mức phí bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư được quy định tại phụ lục II Nghị định 23/2018/NĐ-CP là 0.05% số tiền bảo hiểm tối thiểu nếu có hệ thống chữa cháy tự động (sprinkler) và 0.1% nếu không có hệ thống chữa cháy tự động (chưa bao gồm VAT).
Mong rằng bài viết trên đây đã giúp bạn có thông tin khái quát về các loại bảo hiểm bắt buộc trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Để đảm bảo quyền lợi cũng như tuân thủ đúng trách nhiệm của mình, mỗi người nên tìm hiểu thêm về loại bảo hiểm mà công việc, ngành nghề yêu cầu mình tham gia để có những hướng dẫn cụ thể và cần thiết.
Verifying…